Sáng nay, 14-5, nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, chúc mừng Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN.
Tháp tùng Chủ tịch nước có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM cùng các thành viên Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo TP.HCM.
Đón tiếp phái đoàn tại chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức) có Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN; Hòa thượng Thích Lệ Trang, Thượng tọa Thích Thanh Phong, đồng Phó ban Trị sự Phật giáo TP.HCM; Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ những tình cảm nồng nhiệt, lời chúc sức khỏe, an lạc đến Trưởng lão Hòa thượng Quyền Pháp chủ; thông qua ngài, gửi lời chúc an lành, hạnh phúc, viên mãn đến chư tôn giáo phẩm, chư Tăng Ni, Phật tử nhân mùa Phật đản Phật lịch 2566.Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức)
Dịp này, Chủ tịch nước cũng gửi lời chúc mừng chân thành Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã được suy tôn lên ngôi vị Quyền Pháp chủ GHPGVN vào ngày 31-12-2021. Qua đó, thể hiện sự đánh giá rất cao về uy tín, công hạnh và trách nhiệm của Hòa thượng với Phật giáo và Tổ quốc.
Nhắc lại các sự kiện đặc biệt khi Việt Nam 3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019, Chủ tịch nước cũng đồng thời nhận định rằng ngày nay, Đại lễ Phật đản không chỉ đơn thuần có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng của người Phật tử mà đã trở thành lễ hội văn hóa, tinh thần chung của xã hội.
Theo Chủ tịch nước, qua 2.000 năm kể từ ngày du nhập cho đến nay, đạo Phật đã gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam, nêu cao tinh thần từ bi, trí tuệ, giữ vai trò rất quan trọng trong việc hộ quốc an dân. Từ khi thành lập cho tới nay, GHPGVN đã đoàn kết Tăng Ni, Phật tử vượt qua nhiều khó khăn thử thách, thực hiện tinh thần “Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật”, kiên trì phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Trong năm 2022, với sự kiện trọng đại sắp tới là Đại hội đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, mong muốn rằng GHPGVN sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định, lan tỏa những giá trị ưu việt của một tôn giáo hòa bình, góp phần tích cực xây dựng Tổ quốc Việt Nam thân yêu.“Trong hơn 2 năm qua, Covid-19 xuất hiện và đã trở thành đại dịch trên thế giới và ở Việt Nam. Các chùa, các nhà sư, Phật tử của chúng ta đã lăn xả vào công việc chống dịch. Không chỉ là từng nồi cơm tình thương, chăm sóc những gia đình khó khăn mà còn cầu an, cầu nguyện cho những người đã mất… Có thể nói, những lúc khó khăn, giữa đạo và đời, đặc biệt là đạo Phật, đã gắn kết rất chặt với tinh thần đoàn kết dân tộc để vượt qua thử thách trong đại dịch.”, Chủ tịch nước nhận định.
Kể từ năm 1999, Liên Hiệp Quốc đã công nhận Đại lễ Phật đản – Ngày Vesak là ngày lễ của nhân loại. Được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã tổ chức thành công 3 kỳ Đại lễ Vesak, quy tụ được đông đảo bạn bè quốc tế về tham dự. Cùng với những sự kiện thiêng liêng này, Phật giáo Việt Nam đã tạo được dấu ấn quan trọng, sự đánh giá cao từ bạn bè quốc tế về nếp sống cao đẹp, đoàn kết, hòa hợp của người Phật tử Việt Nam, mà theo Trưởng lão Hòa thượng Quyền Pháp chủ, đó chính là một điều vinh dự cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.Đáp từ, Trưởng lão Hòa thượng Quyền Pháp chủ GHPGVN bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN và TP.HCM đã dành thời gian thăm hỏi và có những phát biểu tốt đẹp, chân tình dành cho Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt, trong đại dịch vừa qua, nhờ sự hợp tác nhuần nhuyễn giữa các ban ngành, đoàn thể, trong đó có các tổ chức tôn giáo, dù là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, TP.HCM đã vượt qua và phục hồi một cách kỳ diệu.
“Trong mùa Phật đản năm nay, gần như tất cả đồng bào Phật tử ở trong toàn TP.HCM đều thấy được hình tượng đản sanh của Đức Phật, hình ảnh vườn Lâm-tỳ-ni. Các tư gia Phật tử đều treo cờ mừng ngày Phật đản, cũng chính là mừng cho thành phố đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, từ đó góp phần cùng toàn dân đưa đất nước đi lên trong thời kỳ mới”, Đức Quyền Pháp chủ nói.
Nguồn: Giacngo.vn
Nguyễn Cường – Bảo Toàn