PSO – Trong chương trình “TÌNH NGƯỜI TRONG ĐẠI DỊCH” phần giải cứu nông sản cho nông dân. Sáng nay, ngày 13/9/2021 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang đã có phiên họp trực tuyến với bộ phận điều hành hỗ trợ tiêu thụ và giải cứu nông sản.
Chủ trì hội nghị có: TT. Thích Minh Nhẫn – Ủy viên TT HĐTS, Phó trưởng ban TT BTS GHPGVN tỉnh cùng chư Tôn đức thành viên của bộ phận phụ trách hỗ trợ tiêu thụ giải cứu nông sản cùng tham dự.
Mở đầu phiên họp, TT. Thích Minh Nhẫn nói về ý nghĩa việc dấn thân phụng sự của Phật giáo, nhất là trong lúc đại dịch đang bùng phát nên việc hỗ trợ bếp ăn Từ thiện và giải cứu nông sản cho người dân là rất cần thiết và cấp bách. Thượng tọa yêu cầu các bộ phận điều hành báo cáo tiến độ hỗ trợ tiêu thụ giải cứu nông sản hiện nay.
Báo cáo tại phiên họp, ĐĐ. Thích Thiện Hải – Ủy viên BTS Phật giáo tỉnh, Phó trưởng ban TT BTS Phật giáo huyện Giồng Riềng cho biết: “Từ khi phát động chương trình giải cứu nông sản đến nay Giáo hội Phật giáo tỉnh đã giải cứu trên 180 tấn nông sản (chủ yếu là khoai lang), đặc biệt là Đại đức Thích Pháp Trí – chùa Thập Phương đã thực hiện nhiều giải pháp đạt hiệu quả trong công tác thu gom từ các nhà vườn tại huyện Giồng Riềng và hỗ trợ tiêu thụ. Ban đầu giá khoai lang chỉ 3.000đ/1kg, đến thời điểm 03 ngày trước (10/9/2021) thì có giá 4.000đ/1kg và giá hiện tại là 5.000đ/1kg khoai lang. Còn một số nông sản khác như: dưa leo, bí đao, khổ qua, bầu, mướp… cũng đang rất cần giải cứu vì không thể để lâu ngày được, mong chư Tôn đức và quý Phật tử hỗ trợ tiêu thụ gấp”.
Theo ĐĐ. Thích Pháp Trí – Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh cho biết: “Sở dĩ có giá khoai lang dao động là vì trước đây, trong tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16 một số nhà vườn cần bán gấp số lượng khoai lang quá hạn thu hoạch, khoai để lâu sẽ to và không còn ngọt, chất lượng bị giảm, do vậy mà cần bán gấp với giá 3.000đ/1kg, số lượng khoai lang hiện nay là đúng thời gian thu hoạch nên giá có sự gia tăng lên 5.000đ/1kg. Ngoài ra, một số nông sản khác như: bí đao, dưa leo cũng rất cần để giải cứu kịp thời, khoai lang có thể để lâu 1 tuần được nhưng bí đao, dưa leo, bầu, mướp thì không thể kéo dài nên rất cần sự quan tâm của chư Tôn đức có giải pháp kịp thời hỗ trợ tiêu thụ gấp”.
Qua báo cáo của chư Tôn đức, TT. Thích Minh Nhẫn nhận thấy: Việc giải cứu nông sản cần được duy trì và tiếp tục, không vì giá dao động mà dừng lại, như vậy thì chưa đúng với mục đích ban đầu là hỗ trợ tiêu thụ, giải cứu nông sản để giúp nông dân thu hồi lại vốn, ổn định cuộc sống. TT. Thích Minh Nhẫn cho rằng “Hôm qua, sau khi nghe báo cáo khoai Lang tăng giá 5.000đ/1kg, bản thân tôi đã tìm hiểu nguyên nhân và nghiên cứu trên báo đài được biết, về việc trồng khoai đầu tư trung bình chi phí từ 15 – 20 triệu /01 công đất (1.000 m2). Như vậy, mỗi ký ở mức giá khoảng 5.000đ thì người trồng mới có thể hoàn vốn, nhưng do khoai đã quá hạn thu hoạch mà không được tiêu thụ buộc nhà nông phải bán tháo để cố gắng thu hồi vốn được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Do vậy, theo quan điểm và ý nghĩa ban đầu mà Giáo hội tỉnh đã đề ra, thì việc tham gia hỗ trợ tiêu thụ, giải cứu nông sản là giúp cho nhà nông có thể thu hồi được vốn để ổn định đời sống và tiếp tục đầu tư cho vụ mùa sau, vì thế không thể nghe lên giá mà chúng ta lại tạm dừng, đợi cho khoai quá hạn mất giá mới tiếp tục hỗ trợ thì không còn ý nghĩa nữa. Làm như vậy nhà nông không thu hồi được vốn, còn Tăng Ni và Phật tử hỗ trợ mua khoai thì sản phẩm lại mất chất lượng, không còn ngon nữa”. Thế nên, đề nghị bộ phận hỗ trợ tiêu thụ giải cứu nông sản phải tiếp tục triển khai, khi nào có thương lái đến mua ổn định thì chúng ta mới tạm dừng, còn việc các loại rau củ quả khác không thể để lâu được như: Dưa leo, bầu, mướp, khổ qua v.v… phải ưu tiên bằng giải pháp, điện thoại vận động Tăng Ni và Phật tử khi mua khoai thì mua kèm theo khoảng 10% các loại củ quả, hoặc các chùa phát quà từ thiện, thay vì 1 phần 10kg gạo thì có thể bớt gạo lại còn 7kg và thêm 5kg củ quả trên, phần còn lại thì phân phối hỗ trợ cho các bếp ăn Từ thiện.
Phiên họp đã đưa đến thống nhất trong tinh thần hoan hỷ của đại chúng tham dự.
Tuệ Tánh