PSO – Chiều ngày 22/9/2022, tại chùa Phật Quang (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn Di tích, Bảo tàng lịch sử Quốc gia kết hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi tọa đàm về kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tiến tới hội thảo “Kiến trúc Phật giáo – thống nhất trong đa dạng” dự kiến tổ chức vào tháng 3/2023.
Chứng minh và chỉ đạo buổi tọa đàm có HT. Đào Như, Phó chủ tịch HĐTS; HT. Danh Đổng, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang; TT. Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Trung ương; HT. Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương; TT. Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang cùng chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự các tỉnh Tây Nam Bộ, các giáo sư, tiến sĩ, học giả, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ban ngành tỉnh Kiên Giang.
Tại buổi tọa đàm, Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận và ý kiến thảo luận của chư Tôn đức đại diện cho 11 Ban trị sự GHPGVN các tỉnh thành Tây Nam Bộ và các nhà khoa học. Các ý kiến phát biểu đã góp phần làm rõ về kiến trúc Phật giáo Việt Nam nói chung, kiến trúc PGVN các tỉnh Nam Bộ nói riêng, đồng thời có nhiều ý kiến đề xuất, đóng góp quý báu như: thảo luận tìm ra nét đặc trưng riêng về kiến trúc và di sản trong kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái thuộc Bắc tông, Nam tông Khmer, Nam tông kinh và Khất sĩ; phân tích thực trạng kiến trúc PGVN khu vực Nam Bộ; những bất cập, phi truyền thống; những kiến nghị đề xuất, bảo tồn, phát huy di sản kiến trúc PGVN khu vực Nam Bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, kiến trúc Phật giáo VN các tỉnh Nam Bộ, bên cạnh những công trình mang nét truyền thống, chứa đựng giá trị văn hoá, di sản Phật giáo Việt Nam, vẫn còn những công trình đang bị mất đi những nét truyền thống; sự nhận thức về giá trị của kiến trúc Phật giáo chưa đồng đều; vẫn có sự lúng túng, bất cập trong xây dựng những công trình mới, trùng tu những công trình cũ, trong bảo tồn các di sản v.v… Các đại biểu mong muốn có được những tiêu chí, quy chuẩn để làm cơ sở cho việc xây dựng các công trình kiến trúc.
Các đại biểu cũng đồng thuận với việc tìm kiếm, xây dựng biểu tượng chung của Phật giáo Việt Nam, còn về phương án mỹ thuật, thẩm mỹ thì sẽ tiếp tục tìm kiếm để tạo sự thống nhất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về việc triển khai, áp dụng biểu tượng kiến trúc đó như thế nào?
Tổng kết buổi tọa đàm, TT. Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương cho biết: Qua khảo sát các tỉnh Nam Bộ cho thấy, có một số ngôi chùa khá tiêu biểu cho kiến trúc của các hệ phái, vùng miền, vừa giữ gìn được truyền thống, vừa đáp ứng được công năng sử dụng, ví dụ như: Chùa Tôn Thạnh (Long An), Chùa Khleng (Sóc Trăng), Tịnh xã Ngọc Viên (Vĩnh Long), v.v…
Trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa giá trị, đặc trưng… của các công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu của các hệ phái, vùng miền, Ban Văn hoá Trung ương sẽ cùng với Ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, các cơ quan của Nhà nước xây dựng bộ tiêu chí, những nguyên tắc mang tính chất định hướng cho việc xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam trên tinh thần “thống nhất trong đa dạng”. Đồng thời, góp phần xây dựng những công trình Phật giáo Việt Nam vừa kế thừa được nét kiến trúc truyền thống của các hệ phái, vừa đáp ứng được nhu cầu mở rộng công năng sử dụng trong giai đoạn hiện tại và tương lai; đồng thời, thể hiện được nét kiến trúc của thời đại ngày nay.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận: