PSO- Thực hiện theo lời Thông bạch của Trung ương GHPGVN được phổ biến tại Công văn số 283/HĐTS-VP1 vào ngày 15/11/2021 do HT Chủ tịch GHPGVN đã ký về việc hưởng ứng lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ cả nước đã tử vong, hy sinh vì dịch bệnh Covid-19 do Ủy ban Trung ương MTTQVN phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức ngày 19-11-2021 (15/10 Tân Sửu).
Vào 20h00 tối tiếng chuông U minh trầm hùng đã đồng loạt ngân vang trên khắp mọi miền đất nước. Trong không khí trang nghiêm, Đại lễ tưởng niệm linh thiêng đã diễn ra tại khắp các chùa. Chư tăng, Phật tử đồng bào đã thắp lên những ngọn nến lòng để cầu nguyện cho đồng bào đã mất được siêu thoát, người ở lại được bình an.
Tại Hà Nội:
Chư tôn đức cùng các Tăng, Ni sinh Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội đã nhất tâm trì niệm Bát Nhã tâm kinh, niệm chú vãng sinh và hồng danh đức Phật A Di Đà, cử đại hồng chung và nhập từ bi quán để hồi hướng công đức cho các hương linh đồng bào, cán bộ chiến sĩ tử vong trong đợt dịch Covid-19 vừa qua được sinh về cảnh giới an lành, nạn dịch được đẩy lùi, quốc gia hưng thịnh, đời sống kinh tế – xã hội sớm ổn định trở lại.Vào tối ngày 19-11, chùa Quán Sứ – Hà Nội, trụ sở của Trung ương GHPGVN cùng các tự viện tại Thành Phố Hà Nội trang nghiêm thiết lễ hoa đăng, tụng kinh, thỉnh chuông, đốt nến tưởng niệm và cầu nguyện đồng bào tử vong, các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 được siêu thoát.
Thành phố Hồ Chí Minh:
Chính quyền Thành phố và người dân đã đến chùa Pháp Hoa, cùng dự lễ tưởng niệm và thả hoa đăng cầu nguyện tại chùa Pháp Hoa, đường Lê Văn Sỹ, Quận 3.
Chư Tăng chùa Vạn Đức, TP. Thủ Đức (Tp.HCM) tụng kinh và thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ lực lượng tuyến đầu hy sinh trong đại dịch COVID-19.
Thừa Thiên – Huế:
chùa Từ Lâm (phường Thủy Xuân, Huế) cùng các tự viện cũng trang nghiêm thỉnh chuông, thắp nến, dâng hương, tưởng niệm và cử hành nghi lễ cầu siêu cho các hương linh tử vong vì đại dịch Covid-19.
Tại tỉnh Bình Dương:Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương trang nghiêm tổ chức Đại lễ kỳ siêu và thắp nến tưởng niệm cho các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh và đồng bào các giới không may đã qua đời vì đại dịch COVID-19 tại chùa Hội An (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một).
Chư tôn đức Thường trực BTS và chính quyền tỉnh Bình Dương cùng thắp nến tưởng niệm.
Tại tỉnh Kontum:
BTS GHPGVN trang nghiêm tổ chức Lễ cầu siêu, tưởng niệm tại chùa Huệ Chiếu – văn phòng BTS GHPGVN tỉnh.
Tại tỉnh Trà Vinh:Chiều ngày 19/11/2021(15/10 Tân Sửu), tại văn phòng BTS GHPGVN huyện (chùa Vĩnh Phước, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), chư Tôn đức Tăng Ni Phật giáo huyện đã trang nghiêm tổ chức buổi Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho đồng bào tử vong trong đại dịch COVID-19.
Cũng tại tỉnh Trà Vinh, trong buổi tối cùng ngày, BTS GHPGVN huyện Càng Long kết hợp cùng UBMTTQVN huyện trang nghiêm tổ chức buổi lễ cầu siêu tưởng niệm đồng bào tử vong vì dịch bệnh COVID-19.
Buổi lễ diễn ra tại quảng trường huyện Càng Long, thị trấn Càng Long, tỉnh Trà Vinh với sự tham dự của chư tôn đức thành viên BTS GHPGVN huyện Càng Long và đại diện chính quyền các ban ngành huyện Càng Long cùng các hộ gia đình có thân nhân bị mất vì dịch bệnh COVID -19.Tính đến nay, cả nước ghi nhận tổng cộng hơn 23 ngàn người tử vong do COVID-19, hàng nghìn trẻ em phải mồ côi. Riêng tỉnh Trà Vinh đã ghi nhận 35 trường hợp nạn nhân tử vong vì dịch bệnh Covid-19. Hiện tại tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Có thể nói ở Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, Đại dịch lần này là tổn thất về người lớn nhất.
Sóc Trăng:ại Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng, Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp cùng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Sóc Trăng trang nghiêm tổ chức lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch bệnh Covid-19. Cùng thời điểm đó, tại 11 đơn vị huyện, thị trong tỉnh cũng tổ chức lễ Tưởng niệm với lòng tiếc thương vô hạn.
Tại tỉnh Đồng Tháp:
Tối ngày 19-11 (15/10 Tân Sửu) Ban trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp phối hợp Ủy Ban MTTQVN tỉnh tổ chức lễ tưởng niệm và cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì Covid-19, Buổi lễ trang nghiêm diễn ra tại chùa Phước Hưng (Phường 1, Tp. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).
Tại tỉnh Bến Tre:
Cũng đúng vào lúc 20h00, ngày 19/11/2021, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, cùng các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh đồng loạt thỉnh đại hồng chung tưởng niệm các đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19, buổi lễ diễn ra tại Chùa Viên Minh, phường An Hội, TP. Bến Tre.
Quang lâm và chủ trì buổi lễ có HT.Thích Nhựt Tấn – UV Thường trực HĐTS, Phó ban Kiểm soát TƯ, UV TT Ban Tăng sự TƯ , Trưởng BTS PG tỉnh Bến Tre cùng chư tôn đức Thường trực Ban Trị Sự, Giáo thọ kiêm quản chúng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre; và sự hiện hữu của 40 Tăng sinh nội trú Trường TCPH tỉnh Bến Tre.
Trải qua thời gian dài, đại dịch Covid-19 diễn biến lây lan phức tạp, đã làm ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống của bà con nhân dân. Đã có biết bao đồng bào tử nạn và các cán bộ, chiến sĩ, Y bác sĩ công tác phòng chống đại dịch tại tiến đầu đã hy sinh tính mạng – Đây là tổn thất và mất mát vô cùng to lớn, nhằm xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người thân tử vong do Covid-19 và cầu nguyện cho các hương linh được siêu thoát.
Buổi lễ không chỉ trang nghiêm diễn ra tại các chùa, tự viện mà còn diễn ra tại các doanh nghiệp, gia đình…v.v Chiều muộn, ngày 19/11, các nhân viên của Trung tâm nghệ thuật Phật giáo Diệu Tướng Am (thuộc quận 3, TPHCM) bày bàn cúng thí thực bên ngoài trung tâm để góp phần cùng cả nước dâng nén tâm hương tưởng nhớ những đồng bào đã qua đời trong đại dịch, những vong linh đang phải chịu cảnh khổ trong tam giới.
Chị Trang, đại diện Trung tâm, cho biết: “Mấy hôm nay Mặt trận Tổ quốc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động người dân tắt đèn và thả hoa đăng để tưởng niệm người tử vong do COVID-19, do đó trung tâm cũng hưởng ứng việc làm này”. Ngoài bàn cúng thí thực, Trung tâm nghệ thuật Phật giáo Diệu Tướng Am cũng tổ chức thả hoa đăng nội bộ ngay tại khu vực showroom để tưởng niệm, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc và Giáo hội.
Trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây tổn thất hết sức nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Dù toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã vào cuộc hết sức quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe và sự an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, nhưng dịch bệnh hết sức khốc liệt, chưa có tiền lệ. Hơn 1 triệu người mắc Covid-19; dịch đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.000 đồng bào, cán bộ và chiến sỹ. Trong cuộc sống, sinh mệnh con người là điều đáng quý nhất. Sẽ chẳng có gì bù đắp được với sự mất mát của hơn 23.000 đồng bào. Trong đó có biết bao người không được tổ chức một tang lễ trọn vẹn vì dịch bệnh. Hàng chục nghìn gia đình mất đi người thân yêu, hàng nghìn trẻ mồ côi cha, mẹ. Vì vậy, lễ tưởng niệm được tổ chức với ý nghĩa thiêng liêng sẽ giải tỏa phần nào nỗi day dứt, xót thương của những người thân. Đó cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi con người và là sự quan tâm, chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phật giáo cùng với nỗi đau của đồng bào.
Trong Phật giáo, nhiều chùa, tự viện đã thường xuyên tổ chức các buổi lễ cầu siêu bạt độ. Đây là một việc làm tâm linh ý nghĩa để mọi người cùng hướng lòng cầu nguyện cho những người đã mất, an ủi tinh thần người ở lại. Và qua đó thể hiện tinh thần từ bi cứu độ của Chư Phật đối với hết thảy chúng sanh.
Tổng hợp: An Tuệ